Ảnh: Clearblue
Có thể bạn từng nghe đến thuật ngữ "Đồng hồ sinh học của phụ nữ", nhưng nó thực sự có ý nghĩa gì và bắt đầu quan trọng ở độ tuổi nào? Trong khi đàn ông sẽ tạo ra tinh trùng với tốc độ gần như nhau trong suốt cuộc đời, câu chuyện lại rất khác đối với phụ nữ.
Đồng hồ sinh học của phụ nữ
Bạn được sinh ra với tất cả số trứng mà bạn sẽ có. Bạn không tạo ra bất kỳ quả trứng mới nào trong suốt cuộc đời. Trên thực tế, số lượng trứng bạn có nhiều nhất là khi bạn vẫn còn trong tử cung của mẹ: Một bào thai nữ 20 tuần tuổi có khoảng bảy triệu quả trứng. Khi bạn được sinh ra, con số này giảm còn khoảng hai triệu quả trứng. Khi bạn đến tuổi dậy thì và bắt đầu có kinh nguyệt, bạn sẽ còn lại khoảng 300.000-500.000 quả trứng. Khi mãn kinh, bạn sẽ còn lại 1.000- 2.000 trứng. Ngoài ra, chất lượng những quả trứng này cũng giảm sút khi bạn già đi.
Tuy nhiên, việc nguồn cung cấp trứng của bạn liên tục giảm không phải là điều đáng lo ngại vì đây là một quá trình tự nhiên và liên tục, hoàn toàn không phụ thuộc vào thuốc tránh thai, mang thai, bổ sung dinh dưỡng, sức khỏe hay lối sống.
Bạn có khả năng sinh sản cao nhất trong độ tuổi từ 20 đến giữa 30. Tỷ lệ sinh sản giảm dần sau tuổi 35 cho đến khi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, không thể mang thai tự nhiên được.
Trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt, một trong những quả trứng của bạn phát triển và trưởng thành, cho phép nó được phóng ra khỏi buồng trứng (rụng trứng) để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Tuy nhiên, để có được một quả trứng phát triển tốt, bạn cần có nhiều trứng để bắt đầu quá trình này. Dù 100 quả trứng cùng được phóng ra khỏi buồng trứng, chỉ có một quả giành chiến thắng trong cuộc đua. Những quả trứng khác sẽ chết đi. Trong suốt cuộc đời, buồng trứng của bạn sẽ giải phóng khoảng 500 quả trứng ở dạng trưởng thành. Khi nguồn trứng cạn kiệt, buồng trứng sẽ ngừng sản xuất estrogen và bạn sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh. Đối với hầu hết phụ nữ, điều này xảy ra ở độ tuổi khoảng 50. Độ tuổi mãn kinh trung bình ở các nước phát triển là 51,4.
Câu hỏi: Tôi nghe nói có một bài kiểm tra để đo xem tôi còn bao nhiêu quả trứng?
Ở những phụ nữ trên 35 tuổi đang cố gắng thụ thai, có thể thực hiện một số xét nghiệm để dự đoán trữ lượng buồng trứng (xem bạn còn lại bao nhiêu trứng). Xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một hormon được tiết ra từ tế bào nang buồng trứng của phụ nữ. Xét nghiệm có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt và ngay cả khi bạn đang dùng thuốc tránh thai. AMH được tạo ra bởi các tế bào xung quanh trứng và là cách sớm xác định lượng dự trữ còn lại trong buồng trứng. Vì vậy, số trứng còn lại càng nhiều, mức AMH càng cao.
Việc giải thích kết quả của xét nghiệm này có thể khác nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, vào ngày thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt (hai ngày sau khi bạn bắt đầu có kinh), bạn có thể làm xét nghiệm máu để tìm hormone kích thích nang trứng (FSH) và estradiol. Hai xét nghiệm này có thể là cách xác định sự suy giảm chức năng buồng trứng vào đầu chu kỳ kinh nguyệt. Một xét nghiệm khác để xác định dự trữ buồng trứng là kiểm tra số lượng nang trứng, nên thực hiện vào ngày thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt. Trong xét nghiệm này, siêu âm qua âm đạo được sử dụng để xác định số lượng nang trứng đã sẵn sàng bắt đầu chu kỳ đó.
Hằng Trần (TheoClearblue)
(biên tập:tập trung)